Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Hội Nghị Chủ Quyền Biển Đông


Thật là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, hôm nay ngày Chủ Nhật lẽ ra phải nghỉ xả hơi sau một tuần làm việc cật lực, hehe… Thế nhưng chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào lại đi lang thang trên thế giới mạng và tình cờ “đụng” ngay Thầy Tư Bảy Núi. Vừa gặp Thầy này là tôi có cảm giác quen quen như hồi nhỏ từng gặp nhau trong núi rồi vậy.

Đã nhất là những câu chuyện mà Thầy Tư trực tiếp tham gia, bình lựng và đưa ra nhiều thông tin kiến giải đến bất cả ngờ… Hôm nay nhân ngày xả hơi, mượn câu chuyện của Thầy Tư giúp bà con có vài phút gọi là “mua vui cũng được một vài…” tí ti, cho nó đỡ stress vì bức xúc sau mấy cái vụ TQ xâm lược Việt Nam đang diễn ra rần rần trên Biển Đông còn nhà nước ta thì vẫn “hảo hảo”…. liên tục với  “bạn vàng”!


Hội Nghị Chủ Quyền Biển Đông

Tường thuật trực tiếp của Thầy Tư Bảy Núi 

Bước vào hội trường Hội Nghị Quốc Tế về Chủ Quyền Biển Đông , Thày Tư Bảy Núi, trong bộ quốc phục khăn đống áo dài, được đại biểu các quốc gia tham dự đón chào.

Đại diện Trung Quốc, niềm nở tuyên bố :
- Rất hân hạnh được đón mừng Tiên Sinh nơi Hội Nghị này. Tiên Sinh chính là ngọn hải đăng từ Đông Á soi sáng cho toàn nhân loại.
- Không dám ! Ngài quá khen ...
- Vả lại, chính phủ chúng tôi vừa cho chỉnh trang ngôi làng của tổ phụ 40 đời của Tiên Sinh, nơi huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, và cho kiến thiết tại đây một ngôi đình vĩ đại ...
- Phiền quý ngài quá ! Tổ phụ tôi vì ăn cắp gà (*) nên phải đi trốn thôi chứ có gì là vĩ đại đâu !
Đại diện Hoa Kỳ, một người phụ nữ duyên dáng với vẻ đẹp kiêu sang quý phái, nỉm cười bước đến :
- Chúng tôi mong được sự giúp đỡ của Ngài để đi đến một thỏa hiệp đem lại an toàn và ổn định trên vùng biển mà chúng tôi coi như liên hệ trực tiếp đến quyền lợi của Hoa Kỳ.
Đại diện Âu Châu, có mặt với tính cách quan sát viên, lên tiếng :
- Tạm thời thì chính sự bất ổn ấy đang giúp quý quốc bán được rất nhiều vũ khí, để các quốc gia trong vùng sửa soạn đánh nhau cho quyền lợi của nước Mỹ ...
Bà đại diện Hoa Kỳ ôn tồn trả lời :
- Đây không phải là đề tài của Hội Nghị này. Vả lại, tôi nghĩ Liên Hiệp Âu Châu cũng sẽ có nhiều cơ hội bán vũ khí trong vùng, như chúng tôi. Xin nhắc lại là quyền lợi của chúng ta hoàn toàn liên đới.

Thày Tư Bảy Núi hướng đến các đoàn đại diện, chắp tay xá xá mấy cái, cười duyên một phát, rồi leo lên bàn chủ tọa ngồi chễm chệ tuyên bố khai mạc Hội Nghị.

Sau một loạt diễn văn mở màn, để cho ban tổ chức và mỗi phái đoàn thi nhau bày tỏ lòng hoan hỷ, tinh thần thiện chí, những quyết tâm này khác, đồng thời đề cao tính hiếu hòa, ý chí thượng tôn pháp luật, tình hữu nghị, huynh đệ, đồng chí, láng giềng, cùng với các quan tâm chính đáng nhất của mình về kinh tế, thương mại, môi trường, xã hội, nhân đạo, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, chưa kể vài thứ tầm phào khác, các đại diện mới bắt đầu trình bày các chứng cớ của chủ quyền nước mình trên các hòn đảo.

Đại diện Trung Quốc cho rằng từ thời Bàn Cổ Nữ Oa đã có người Tầu sinh sống trên các hải đảo thuộc vùng biển mà họ gọi là "Nam Hải". Nhiều dấu tích như đồ gốm, vạc đồng, bia đá, thậm chí cả những thùng mì gói và lon bia Tsing Tao bị chôn vùi từ 4000 năm nay đã được trình ra trước Đại Hội.

Đại diện Việt Nam thì trưng ra vô số văn kiện của các vị vua, đặc biệt là dưới triều Nguyễn, đã từng ban hành những sắc lệnh và bổ nhiệm nhân sự cho việc quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phía Trung Quốc phản biện cho rằng các vị vua ấy thực ra chỉ là quan lại của Trung Hoa, vì họ đều được sắc phong bởi Hoàng Đế Trung Hoa. Các công việc quản lý được phía Việt Nam nêu lên, trong thực chất chỉ là những việc làm nhân danh Hoàng Đế Trung Hoa.

Vị đại diện Liên Hiệp Quốc lên tiếng :
- Vậy quý ngài Trung Hoa có công nhận Việt Nam là một nước độc lập hay không ?
Đại diện Trung Quốc tỏ vẻ suy nghĩ :
- Chúng tôi không được chỉ thị rõ ràng về điều này, nhưng tôi nghĩ ... có nhiều hy vọng là có.
- Xin nhắc lại là Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là nước đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như một quốc gia hoàn toàn độc lập vào năm 1950.
- Vâng, trong giai đoạn mà nền ngoại giao của chúng tôi còn phôi thai, đã có việc ấy ...
- Như vậy, quý quốc cũng công nhận rằng nền độc lập của nước Việt Nam bao gồm tất cả các lãnh thổ mà nước này quản lý, bất kể những quá khứ lệ thuộc của thời phong kiến ?
- Vấn đề là các hòn đảo ấy vốn thuộc chủ quyền trực tiếp của chúng tôi, từ những giai đoạn lịch sử xa xưa nhất, như những bằng chứng đã được chúng tôi đưa ra !

Đại diện các quốc gia khác cũng lên diễn đàn trưng ra những bằng cớ hiển nhiên nhất về sự hiện diện và chủ quyền của họ trên các hòn đảo liên hệ. Ngày đầu tiên của cuộc hội nghị kết thúc với tuyên bố của đại diện Trung Hoa :
- Mặc dù những chứng cớ rất rõ ràng về chủ quyền bất khả tương nhượng của chúng tôi trên biển Nam Hải, lập trường của chúng tôi vẫn là : gác tranh chấp, cùng khai thác !

Trong bữa cơm tối, đại biểu các nước đang tranh chấp với Trung Quốc quây quần quanh Thày Tư Bảy Núi. 

Một người lắc đầu nói :
- Lập trường của họ là «bất khả tương nhượng» thì còn họp hành chi nữa ?
Thày Tư trả lời :
- Đó không phải là một lập trường. Khi họ nói lập trường của chúng tôi «bất khả tương nhượng» tức là họ «có thể tương nhượng», nếu không thì chỉ cần nói «lập trường chúng tôi như vậy» là đủ rồi ! Cũng giống như khi bà nhà thỏ thẻ với ông «em nói thiệt anh nghe», tức là bà ta có cái gì hổng thiệt. Nếu không thì hễ «nói» là phải thiệt, cần gì phải minh xác là mình «nói thiệt » ?
- Họ có tương nhượng chỗ nào đâu ?
- Lập trường thiệt sự của họ nằm ở câu : «gác tranh chấp, cùng khai thác». Họ nói «gác tranh chấp» vì lý lẽ của họ về chủ quyền không vững. Nếu tiếp tục tranh chấp thì họ không thể ngụy biện hoài được. Nên họ đề nghị «gác tranh chấp». Tuy nhiên họ vẫn chấp nhận «cùng khai thác». Tức là một cánh cửa mở ra để có thể hợp tác với các nước khác trong việc khai thác vùng biển liên hệ mà không cần phải giải quyết ngã ngũ vấn đề chủ quyền. Điều đó cứu gỡ thể diện của họ. Mà thể diện đối với Trung Hoa luôn là ưu tư trọng yếu nhất.
- Tuy nhiên, chưa thấy họ chấp nhận một thỏa hiệp cụ thể nào trong việc «cùng khai thác». Tất cả các hoạt động kinh tế không phải của họ đều bị họ dùng những biện pháp mạnh bạo cấm đoán.
-Thỏa hiệp là kết quả của tương quan lực lượng. Những chứng cớ mà các ông đưa ra để biện minh cho chủ quyền của mình trên các hòn đảo và trên lãnh hải liên hệ làm cho mấy ông phân tán lực lượng trước Trung Hoa. Họ thấy chính các ông cũng không thỏa thuận được với nhau. Vì thế, điều cơ bản nhứt là quý ông phải kết hợp chặt chẽ trên một căn bản thực dụng, dẹp qua một bên những nguyên tắc không đem lại lợi ích thiết thực. Khi đó, với những liên hệ quốc tế của tất cả các ông cộng lại, cùng với các sức mạnh khác, quý ông mới có đủ lực lượng để đi đến một thỏa hiệp tốt đẹp. Tại sao Trung Hoa lại thỏa hiệp với các ông khi chính các ông chưa thỏa thuận được với nhau ? Trung Hoa phải dựa trên tương quan lực lượng nào để thỏa hiệp, khi chưa nhìn ra được lực lượng của các ông ?

Một đại diện hỏi :
- Ngài thấy vai trò của Hoa Kỳ ra sao ?
- Hoa Kỳ có những quyền lợi xung khắc với Trung Quốc, nhưng đồng thời hai nước cũng có rất nhiều quyền lợi ràng buộc chặt chẽ với nhau. Về Biển Đông, quyền lợi trực tiếp nhất của Hoa Kỳ là sự tự do di chuyển trên đó để bảo đảm việc buôn bán và tiếp liệu. Khi nào điều ấy không bị đe dọa thì Hoa Kỳ không có lý do cụ thể để can thiệp bằng biện pháp mạnh.

Một vị đại diện khác tỏ vẻ tán đồng :
- Quý đồng nghiệp cũng nên chú ý là đe dọa lớn nhứt cho an ninh của Hoa Kỳ là những món nợ họ đang phải gánh chịu. Tôi nghe ông Mike Mullen, một chuyên gia hàng đầu của chính quyền Obama nói như vậy. Vì thế họ sẵn sàng thương thuyết để hủy bỏ hiệp ước hỗ tương an ninh với Đài Loan, tức là bỏ rơi Đài Loan về quân sự, để được Trung Quốc xóa nợ.

Một đại diện khác nói :
- Đồng minh với Hoa Kỳ là một tư thế có tính cách rất tạm thời. Nhất là khi họ thay đổi chính sách chỉ vài năm một lần, mỗi khi bầu lại quốc hội và Tổng Thống.
- Quý đồng nghiệp cũng nhớ là lực lượng quân sự hiện bảo đảm an toàn và ổn định khắp nơi cho Trung Quốc được yên ổn làm ăn chính là ... quân đội Hoa Kỳ !

Thày Tư Bảy Núi hắng gọng :
- Nói vậy, nhưng nếu các ông tranh thủ được để Hoa Kỳ đưa vấn đề Biển Đông vô trong những thương thuyết với Trung Quốc, theo chiếu hướng thuận lợi cho các ông thì đó là một đóng góp lớn cho việc đi đến một thỏa hiệp. Tôi nhắc lại là Trung Quốc sẽ chỉ nghĩ đến thỏa hiệp khi thấy rõ tương quan lực lượng giữa họ với các thành phần khác.
- Một điều tôi tự hỏi là tại sao Trung Quốc lại chịu xóa nợ, dù chỉ một phần, cho Hoa Kỳ ?
- Vì họ không thể để thị trường Hoa Kỳ sụp đổ. Vì một thỏa hiệp về quân sự với Hoa Kỳ, thông qua vấn đề Đài Loan, sẽ giúp Trung Quốc tiết kiệm rất nhiều chi phí quốc phòng, dành tiền cho các mục tiêu kinh tế, như kiến thiết hạ tầng và phát triển thị trường nội địa. Rồi vì Đài Loan hiện là một cái gai trước mắt họ, và là một hiểm họa ! Quý ông cứ tưởng tượng, một chính quyền nào đó ở Đài Loan sẽ có thể trưng cầu dân ý, rồi tuyên bố độc lập. Khi đó, những thành phần quốc gia chủ nghĩa sẽ làm mọi cách để đưa Trung Quốc đến chiến tranh, tức là đến đụng độ với Hoa Kỳ, đến nguy cơ bị đánh bại, mở đường cho sự sụp đổ của chính thể hiện tại, và rất có thể làm tan vỡ nước Trung Hoa ra thành nhiều mảnh ...
- Một sự đụng độ quy mô với các quốc gia Đông Á vì tranh chấp chủ quyền ở biển Đông chắc cũng có hậu quả tương tự ?
- Đúng vậy. Tuy nhiên chúng ta có thể nghĩ rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ trong trường hợp này sẽ rất hạn chế, vì lý do mà tôi đã nói hồi nãy. Thiếu Hoa Kỳ sẽ khó có chiến tranh trên tầm mức lớn. Thật ra Trung Quốc cần thị trường, mà các quốc gia Đông Á, nếu kể cả Ấn Độ, thì là một thị trường gần một tỷ rưỡi người tiêu thụ. Mất thị trường đó là một tai họa cho Trung Quốc. Mà kéo dài tình trạng tranh chấp cũng là một điều bất lợi cho họ, vì hình ảnh xấu xa mà họ càng ngày càng trưng bày trước dư luận trong vùng.

- Nếu có một thông điệp cho Trung Quốc, thì Thày sẽ nói gì ?
- Ở địa vị của tui, không thể có một thông điệp riêng cho Trung Quốc. Tui chỉ nói với tất cả các thành phần trong cuộc tranh chấp này ba điều. Thứ nhứt, vùng Đông Á đang có cơ hội để trở thành giàu mạnh, thành một trọng tâm của thế giới. Phải cố gắng đừng làm lỡ mất cơ hội ấy bằng một cuộc chiến tranh hay một cuộc thi đua võ trang tốn kém. Thứ hai, chỉ có sự hợp tác để hình thành một khối thịnh vượng chung cho toàn Đông Á mới tạo ra được một thị trường tiêu thụ đủ mạnh mẽ để cứu các nền sản xuất trong vùng khỏi nạn suy thoái do các thị trường Âu Mỹ đang kiệt quệ. Thứ ba, chủ quyền trên một mảnh đất hay một vùng biển không là gì hết, nếu nó chỉ đem lại tang thương, mất mát, tốn kém tài nguyên, cho nên cần chú tâm nhiều hơn tới những mối lợi mà các mảnh đất hay vùng biển đó đem lại. Mà những mối lợi đó chỉ có được qua hợp tác đa phương.

Thầy Tư Bảy Núi

(*) Chú thích thêm về chuyện ông tổ 40 đời của Thầy Tư Bảy Núi phải bỏ xứ ra đi vì tội ăn cắp gà:

Nè, ông tổ bốn chục đời của Thày phải bỏ xứ ra đi, có thiệt là chỉ ăn cắp gà thôi hay còn chi nữa ?
- À thiệt ra là lâu lâu ổng ra tay trưng dụng vài con gà của một thằng cường hào ác bá đem về nhậu với đám đệ tử. Rồi, một hôm thằng phú hào đó nó dẫn công an tới cự nự ổng sao đó, ổng bực mình đá chết cỡ đâu ... mấy chục đứa, nên phải bỏ quê ra đi. Từ đó, ổng chu du nước này nước khác, vui thì ở, loạn lạc thì bỏ đi.
- Câu «nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư» có phải của ổng không ?
- Phải.
- Dzậy ổng cũng khá nổi tiếng ...
- Ờ, thì cũng tàm tạm. Có lúc ổng làm quan, lên tới thủ tướng. Nhưng thấy hổng nên cơm cháo gì nên bỏ. Vợ con thì ôi ... tùm lum ! Nơi nào cũng có. Riết rồi dòng dõi lan xuống Lĩnh Nam. Con cháu ở đó có người tu thày chùa, được phong làm tới Tổ Sư.

Thầy Tư Bảy Núi


(Riêng cái chuyện con cháu ông tổ 40 đời của Thầy Tư được phong làm tới Tổ Sư sẽ kể sau cho bà con nghe, ly kỳ và hấp dẫn lắm lắm. Lại có liên quan tới slogan trên trang chủ của blog Hữu Nguyên nữa mới gọi là có duyên quá đi chứ, là câu  "Bổn lai vô nhứt vật").



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét